CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN LÀ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định chủ nghĩa Mác - Lênin là cốt, là gốc, là nền tảng tư tưởng của Đảng. Đến Đại hội Đảng lần thứ VII (1991), Đảng ta khẳng định rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1). Luận điểm này đã tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện qua các kỳ đại hội của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”(2).
Đi lên CNXH là sự lựa chọn sáng suốt của Đảng phù hợp với khát vọng của người dân Việt Nam vươn tới ấm no, tự do, hạnh phúc. Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích giai cấp và lợi ích cá nhân của không ít phần tử suy thoái, bất mãn, đã chống đối lại con đường tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển mà Đảng, Bác và nhân dân ta lựa chọn. Họ đã không từ thủ đoạn nào hòng làm chuyển hướng, làm thất bại công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Họ tập trung công kích, xuyên tạc, phủ định cái gốc của Đảng - nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ khi Đảng ta ra đời, lãnh đạo nhân dân thực hiện các cuộc trường chinh kháng chiến và công cuộc xây dựng CNXH ngày nay.
Trên con đường xây dựng xã hội mới, chúng ta phải thường xuyên, liên tục đấu tranh chống lại các hoạt động cả trên bình diện lý luận và thực tiễn để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động có sứ mệnh xây dựng thành công xã hội mới, điều đó cũng có nghĩa cuộc đấu tranh này là liên tục, gắn liền với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ liên tục về thời gian, mà còn liên tục về không gian, không chỉ trên phạm vi quốc gia mà cả trên bình diện quốc tế. Điều này gắn liền với sự vận động của xã hội loài người đang quá độ lên CNXH. Phủ định học thuyết Mác – Lênin chính là sự phủ định xu hướng vận động khách quan của sự quá độ lên CNXH trên phạm vi thế giới, là sự phủ định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Cũng chính vì vậy, cuộc đấu tranh này luôn quyết liệt, phức tạp, là cuộc đấu tranh mất còn với thế lực thù địch phản động của những người cộng sản đi theo con đường mà các nhà kinh điển Macxit đã chỉ ra.
Tính quyết liệt và phức tạp của cuộc đấu tranh ngày nay còn gắn liền với sự lợi dụng những bước tiến trình độ lực lượng sản xuất, biểu hiện tập trung ở sự phát triển của khoa học công nghệ. Việc lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ để tạo ra bước phát triển mới của CNTB, cũng như lợi dụng thành tựu công nghệ để chống phá với những phương thức ngày càng tinh vi, với mục tiêu không bao giờ thay đổi là phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định con đường XHCN, luôn được các thế lực thù địch khai thác triệt để.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập và mở cửa các nền kinh tế quốc gia dân tộc một mặt là điều kiện cho quá trình hợp tác phát triển, mở rộng sự hiểu biết, giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng vì sự phát triển chung, đồng thời cũng là không gian cho các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh các hoạt động chống phá cả trên phương diện lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại và an ninh quốc phòng.
CHỦ ĐỘNG, KIÊN ĐỊNH, VẬN DỤNG SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Thực tiễn quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhân dân ta luôn chủ động, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sự thành công của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới vừa qua đã làm cho quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3).
Vươn lên trong quá trình phát triển luôn là mục tiêu của các quốc gia. Vì vậy các quốc gia dân tộc luôn tranh thủ mọi điều kiện khai thác các nguồn lực để bứt phá. Trong bối cảnh này, lợi ích quốc gia dân tộc luôn được quan tâm hàng đầu. Cùng vì vậy cạnh tranh phát triển, cạnh tranh trong khai thác các nguồn lực ngày càng quyết liệt, làm cho quan hệ giữa các quốc gia luôn song hành giữa hợp tác phát triển và cạnh tranh quyết liệt, thậm chí có những va đập do các nhân tố lịch sử, do hành động bá quyền dẫn đến xâm hại lợi ích quốc gia. Lợi dụng bối cảnh này các thế lực thù địch và những phần tử thoái hóa biến chất xuyên tạc đường lối phát triển, công kích quan hệ quốc tế…đòi điều chỉnh, thay đổi con đường phát triển, thực chất cũng là nhằm vào chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong bối cảnh hiện nay, đi liền với các thách thức an ninh truyền thống, có sự xuất hiện của các thách thức an ninh phi truyền thống, tác động không nhỏ đến đến sự phát triển của chúng ta, gây ra những đổ vỡ, những mất mát hoặc thua thiệt khó lường. Các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng điều đó để tiếp tục chống phá, khoét sâu vào những hạn chế, quy về sự sai lầm trong lựa chọn con đường, mô hình phát triển, mục tiêu là làm suy giảm niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ.
Trong bối cảnh ấy, việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng trở nên cấp thiết. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định rõ cần: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(4).
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ BÁU
Trong cuộc đấu tranh quyết liệt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta đã đạt được không ít thành công, tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phát triển và làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam; bảo vệ uy tín của Đảng cũng như các quan điểm, đường lối của Đảng trong tiến trình cách mạng; thông qua đấu tranh lý luận và hoạt động thực tiễn đã góp phần bảo vệ công cuộc đổi mới, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo niềm tin, kiên định và đồng lòng cả dân tộc vững bước đi lên CNXH. Và chính trong quá trình này, chúng ta có thêm được những kinh nghiệm để tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, đấu tranh trên phương diện lý luận cần gắn chặt hơn nữa với đấu tranh trong hoạt động thực tiễn, cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch và cơ hội luôn tìm mọi thủ đoạn tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên phương diện lý luận, chúng hướng đến phủ định các nguyên lý triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học, trong đó tập trung vào xuyên tạc, phủ định học thuyết hình thái kinh tế xã hội, về chuyên chính vô sản và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, phủ định học thuyết giá trị thặng dư, phủ định lý luận về sự quá độ lên CNXH…Cùng với đó là phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt tư tưởng Hồ Chí minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng không chỉ cố luận chứng trên phương diện lý luận mà còn thông qua các hoạt động thực tiễn minh chứng sự phát triển vượt trội của chủ nghĩa tư bản. Lấy sự đổ vỡ mô hình CNXH ở Liên xô cũ và các nước Đông Âu để luận giải tính không hợp lý của CNXH hội cũng như hướng vào phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin.
Ngay ở Việt Nam, không chỉ xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh trên phương diện lý luận, chúng còn xuyên tạc rằng, việc Hồ Chí Minh vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam là gượng ép, sai lầm, và vì vậy đây chính là nguyên nhân đẩy đến các cuộc chiến tranh hao người tốn của, làm kìm hãm sự phát triển của đất nước. Trên thực tế, họ lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót, sai lầm trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên để làm minh chứng, từ đó xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là không phù hợp, là lỗi thời với xu thế phát triển chung của thế giới.
Thực tế đó đòi hỏi trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. chúng ta phải gắn chặt hơn nữa đấu tranh trên phương diện lý luận với đấu tranh trong hoạt động thực tiễn. Thông qua các kết quả thực tiễn để minh chứng sự đúng đắn đường lối của Đảng, của lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, công khai những hạn chế, sai lầm do các nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình xây dựng xã hội mới. Muốn vậy, phải có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các lực lượng tham gia đấu tranh lý luận với công tác tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế xã hội, với đấu tranh phòng chống sự suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống cũng như phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, tăng cường tính chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đi liền với việc nhận diện các luận điểm mà các thế lực thù địch, cơ hội chống phá để đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động tuyên truyền, luận giải tính khoa học và cách mạng của học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, chúng ta đã quyết liệt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử thoái hóa biến chất nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc nhận diện diện rõ các thế lực và các quan điểm của họ để phản bác khá thuyết phục. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, các thế lực chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng khá đa dạng. Ngoài các thế lực như chúng ta chỉ rõ như: “1- Nhóm đối lập về mặt hệ tư tưởng; 2- Các thế lực thù địch về chính trị, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta; 3- Là những người vốn là cán bộ đảng viên nhưng không chịu tu dưỡng, học tập, nâng cao tư tưởng đạo đức cách mạng dẫn tới tha hóa về tư tưởng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phai nhạt lý tưởng, mà Đảng ta đã chỉ rõ là “tự chuyển hóa, tự diễn biến” trong nội bộ”(5), còn không ít thế lực dưới những vỏ bọc khác nhau. Chẳng hạn, cùng phối hợp hay phụ họa các thế lực này là sự xuất hiện chủ nghĩa cơ hội, chúng tác động làm suy yếu các tổ chức từ bên trong, chúng đã và đang xuất hiện cũng hết sức tinh vi.
Ph.Ăngghen đã nói rằng chủ nghĩa cơ hội biến chủ nghĩa Mác thành một thứ “chủ nghĩa Mác” bị xuyên tạc méo mó”(6). Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”(7). Bên cạnh chủ nghĩa cơ hội là thế lực cũng rất nguy hại, tuy không ra mặt phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng giải thích, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh theo mục tiêu, lợi ích của họ. Đây chính là những thế lực không muốn Việt Nam phát triển, mà muốn Việt Nam phụ thuộc, hỗ trợ cho lợi ích của họ. Họ cho rằng, chúng ta không vận dụng đúng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm tổn hại trong quan hệ quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển của chính Việt Nam.
Chính vì vậy, để đấu tranh phản bác, “vạch mặt, chỉ tên” các luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội, suy thoái, biến chất, chúng ta cần chủ động giáo dục tuyên truyền và nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tưởng Hồ Chí Minh. Làm rõ bản chất cách mạng, khoa học, như chính các nhà kinh điển chỉ ra. V.I.Lênin đã không ít lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(8).
Trong quá trình nghiên cứu, phát triển, cần làm rõ những luận điểm nào có giá trị bền vững, mang tính phổ quát, những luận điểm nào phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể, và kể cả những luận điểm nào không còn phù hợp do điều kiện lịch sử hiện nay đã thay đổi.
Phát triển lý luận Mác-Lênin là trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp nhau, của những người mácxít chân chính. |
Ngay bản thân các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình nghiên cứu và hoạt động trong phong trào công nhân cũng đã điều chỉnh một số luận điểm của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”(9).
Đẩy mạnh việc tuyên truyền làm rõ bản chất cách mạng và khoa học, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái là phương cách tất yếu và cần luôn được quán triệt, gắn bó chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. |
Thứ ba, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ tập trung trực diện vào các nội dung trong học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cần chú ý tới những vấn đề vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đấu tranh và xây dựng xã hội mới.
Trong mục tiêu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực phản động cơ hội, thoái hóa biến chất không chỉ trực diện hướng tới phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng mà chúng còn thông qua hình thức, biện pháp gián tiếp để thực hiện ý đồ của mình. Chúng tập trung phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi xấu lãnh đạo, phủ định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, xuyên tạc quan hệ đối ngoại, bịa đặt vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, đàn áp tôn giáo… Bên cạnh đó, chúng “ca tụng” các giá trị dân chủ, nhân quyền, văn hóa theo lối sống phương Tây…Tất cả những chiêu bài đó nhằm cố minh chứng việc chúng ta lựa chọn sai con đường, sai mô hình do xuất phát từ học thuyết và tư tưởng lỗi thời, ảo tưởng. Thực chất mục tiêu suy cho cùng là phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng, kêu gọi theo con đường mới, từ bỏ vai trò của Đảng, vai trò của lực lượng vũ trang.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là bảo vệ trực diện nội dung các quan điểm, nguyên lý cụ thể của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minhh, mà còn chính là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều cần chú ý là, những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị bền vững nằm trong một hệ thống và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo vệ tính hệ thống, toàn vẹn của những nguyên lý lý luận. Cần phản bác khuynh hướng tách rời, trích dẫn cắt xén các luận điểm và luận giải không phù hợp với bối cảnh lịch sử.
Thứ tư, cần tập trung vào trọng điểm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường mạng.
Thực tế, các thế lực thù địch, cơ hội, thoái hóa biến chất thường lợi dụng các phương thức khác nhau để liên kết, phát tán thông tin chống phá, hòng phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng thường thông qua các phương thức như: gửi đơn thư góp ý, khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan dân cử và các cơ quan ngôn luận; thông qua các quan hệ, các tổ chức dưới dạng các tài liệu, sách truyền tay, thông tin truyền miệng; thông qua các hội nghị, hội thảo, tổ chức các sự kiện chuyên đề; lập các trang web của các tổ chức, hoặc của các cá nhân để đăng thông tin; thông qua mạng xã hội phát tán các thông tin và liên kết tạo thành đợt tấn công theo chuyên đề, theo các sự kiện.
Để làm tốt việc đó, một trong những giải pháp là đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin truyền thông, cần xem thông tin truyền thông là một trong những lĩnh vực cần có ưu tiên cùng với 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp, đã được Chính phủ thông qua.Điều này đòi hỏi chúng ta cũng phải vận dụng các phương thức thông tin để phản bác lại các quan điểm xuyên tạc, phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng. Chú trọng xây dựng và phát triển mạnh mẽ lực lượng đấu tranh trên môi trường mạng Internet, ngăn chặn và triệt phá kịp thời mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; chủ động kịp thời định hướng thông tin, đưa thông tin chính thống đến người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển.
Thứ năm, về mặt tổ chức đội ngũ chuyên gia và xây dựng tuyến bài tập trung có chất lượng.
Kinh nghiệm cho thấy, đi liền với tuyên truyền, nghiên cứu phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận không chỉ đông về số lượng mà phải bảo đảm chất lượng, đủ tầm trí tuệ và bản lĩnh để có thể đấu tranh hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch.
Hiện nay, đội ngũ lý luận của chúng ta còn thiếu và còn không ít hạn chế. Cần tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có nhiệt huyết và tầm cao về lý luận; xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ.
Nghiên cứu đổi mới hình thức và gia tăng thời lượng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống nhà trường, nhất là ở bậc đại học. Cần có cơ chế bồi dưỡng đối với những người tốt nghiệp các cấp học ở nước ngoài về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong hệ thống các nhà trường phù hợp với đối tượng và cấp học; truyền thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những nội dung mới, phù hợp tình hình hiện nay, làm cơ sở cho việc vận dụng trong chỉ đạo thực tiễn.
PGS.TS. Vũ Văn Hà/TG
---------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.21
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 180
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.103-104
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 183
(5) Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc (Báo Sài Gòn giải phóng điện tử, ngày 24/9/2019)
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội.1997, t. 22, tr.113
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW, Hà Nội, 2016, tr.195
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1976, t.4, tr.232
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr. 509.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
« | tháng 11/2024 | » | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | CN |
28 | 29 | 30 | 31 | 01 | 02 | 03 |
03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 |
24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |