Đầu thế kỷ XX, với sự hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) và các nhà cách mạng đã đưa phong trào cách mạng Việt Nam chuyển mạnh sang xu hướng cách mạng vô sản. Đến năm 1929, các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhận thấy sự cần thiết phải thành lập một đảng cộng sản thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để lãnh đạo và đưa phong trào cách mạng tiến lên. Từ đó lần lượt các tổ chức cộng sản ra đời: Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập ngày 17/6/1929; An Nam Cộng sản Đảng thành lập tháng 11/1929; Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành lập ngày 01/01/1930. Tuy nhiên, ở một nước mà có ba tổ chức đảng cộng sản nên không thể tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Việc khắc phục sự phân tán về tư tưởng và chia rẽ về tổ chức là nhiệm vụ cấp bách trước mắt của tất cả những người cộng sản, cũng là đòi hỏi khẩn thiết của cách mạng nước ta lúc bấy giờ. Vì vậy, Hội nghị thành lập Đảng được tổ chức từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/02/1930 tại Hương Cảng (Hồng Kông, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã hợp nhất các tổ chức cộng sản, nhất trí thành lập một Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) của Đảng đã quyết định lấy ngày 03 tháng 02 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam).
Đây là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua, đã xác định cách mạng Việt Nam phải tiến hành giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Ở Phú Yên, cuối năm 1929, cuộc vận động thành lập tổ chức cộng sản có nhiều chuyển biến tích cực, gắn liền với quá trình hoạt động của một tập thể chiến sĩ cách mạng, trong đó tiêu biểu nhất là đồng chí Phan Lưu Thanh. Đồng chí Phan Lưu Thanh sinh năm 1906, quê ở huyện Đồng Xuân hiện nay, là một thanh niên yêu nước sống trong cảnh đất nước lầm than, đã tích cực tham gia các tổ chức yêu nước lúc bấy giờ như: Hưng nghiệp hội xã, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên... Cuối năm 1929, đồng chí Phan Lưu Thanh vào Sài Gòn học lái xe ô tô ở trường cơ khí Chu Văn Hai. Tại đây, đồng chí được hai đảng viên cộng sản là Nguyễn Chương và Tư Rèn (công nhân xưởng đóng tàu Ba Son) tuyên truyền giác ngộ về lý tưởng chủ nghĩa cộng sản. Sau đó đồng chí được giao nhiệm vụ về Phú Yên hoạt động gây cơ sở.
Về Phú Yên, đồng chí Phan Lưu Thanh tìm người tin cậy để tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, và người được chọn đầu tiên là Phan Văn Lan - cháu ruột của đồng chí Phan Lưu Thanh. Đồng chí đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Văn Lan in sao nội dung truyền đơn mà đồng chí mang từ Sài Gòn về. Ở Sông Cầu, đồng chí Phan Lưu Thanh còn giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa cộng sản cho đồng chí Bùi Xuân Cảnh. Sau khi được giác ngộ, đồng chí Bùi Xuân Cảnh dẫn đồng chí Phan Lưu Thanh về nhà người bà con của mình ở gần cầu Thị Thạc in khoảng 1.000 tờ truyền đơn và may cờ đỏ búa liềm. Nhân ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930, đồng chí Phan Lưu Thanh tổ chức rải truyền đơn tại tỉnh lỵ Sông Cầu, với nội dung kêu gọi thợ thuyền, dân cày và binh lính đứng lên chống bất công, đòi cải thiện đời sống, đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, chống áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến. Đồng thời, tổ chức treo cờ búa liềm có ghi "An Nam cộng sản kỳ" ở nhà công sứ Pháp và ở bên cạnh đồn khố xanh Sông Cầu. Tiếp đó, ngày 01/8/1930, một lần nữa cờ búa liềm lại được treo ở sân quần vợt sau lưng Quang Ích Hội (Bưu điện Sông Cầu ngày nay), trường tiểu học Sông Cầu, đồn khố xanh; còn truyền đơn được rải từ cầu Thị Thạc vào trung tâm tỉnh lỵ Sông Cầu. Các hoạt động này đã gây tiếng vang lớn trong tầng lớp nhân dân và làm cho bọn thống trị hốt hoảng, lo sợ.
Với việc tổ chức những hoạt động cách mạng có ý nghĩa lịch sử, đồng chí Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Thị Nghè - Sài Gòn vào tháng 8/1930 và được cử về La Hai để tiếp tục gây dựng cơ sở. Đồng chí đã liên lạc, móc nối, tập hợp một số thanh niên tiến bộ trước đây, cùng tiếp tục hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, treo cờ búa liềm, rải truyền đơn ở La Hai, Tuy An, Tuy Hòa, tỉnh lỵ Sông Cầu... Những hình thức này đã gây ảnh hưởng trong quần chúng, tạo điều kiện cho quần chúng công nông tiếp xúc với chủ trương của Đảng, kích thích tinh thần yêu nước trong một số thanh niên, học sinh có ý thức dân tộc theo tư tưởng cộng sản. Qua tuyên truyền, giác ngộ, thử thách trong công tác, đồng chí Phan Lưu Thanh đã kết nạp một số đồng chí ưu tú vào Đảng như: Bùi Xuân Cảnh, Việt Hồng (Phan Ngọc Bích), Nguyễn Thạnh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Nguyễn Thị Hảo... Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong tỉnh, những người cộng sản ở Phú Yên nhận thấy cần phải thành lập ngay tổ chức cộng sản mà trước mắt là thành lập chi bộ cộng sản để lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh. Do đó, không chờ vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, dựa trên cơ sở số đảng viên phát triển được, ngày 05/10/1930, đồng chí Phan Lưu Thanh tổ chức cuộc họp toàn thể đảng viên tại nhà của đồng chí ở xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân (nay là khu phố Long Bình, thi trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) bàn việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản. Sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định của Đảng, trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng, đồng chí Phan Lưu Thanh tuyên bố thành lập chi bộ. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên.
Tại buổi lễ thành lập, chi bộ đưa ra một chương trình hoạt động gồm 4 điểm:
- Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam một cách sâu rộng vào quần chúng công nhân, nông dân, trí thức, học sinh.
- Tổ chức và phát triển các hội quần chúng.
- Tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, qua đó lựa chọn những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng.
- Huấn luyện đảng viên phương pháp công tác bí mật.
Cũng tại buổi lễ, đồng chí Phan Lưu Thanh được hội nghị tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Số lượng đảng viên lúc này có 9 đồng chí, gồm: Phan Lưu Thanh (Bí thư), Bùi Xuân Cảnh, Việt Hồng (Phan Ngọc Bích), Nguyễn Thạnh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Nguyễn Thị Hảo, Phan Cao Lâm.
Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên đã mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng ở Phú Yên, đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân ở Phú Yên. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Phú Yên có sự soi đường, dẫn lối của tổ chức những người cộng sản - nhân tố có tính chất quyết định cho sự thắng lợi của phong trào cách mạng ở Phú Yên sau này.
Đặng Hồng Thái - Trưởng phòng Lý luận chính trị & Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên (https://www.phuyen.dcs.vn/)
Tác giả: Diepkinh
Nguồn: https://www.tuoitrephuyen.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
« | tháng 11/2024 | » | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | CN |
28 | 29 | 30 | 31 | 01 | 02 | 03 |
03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 |
24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |