Tài liệu sinh hoạt chi đoàn Tháng 11/2022

Thứ ba - 01/11/2022 09:18
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 11/2022.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 11/2022. 
tai xuong 1 500x300
Ảnh minh họa.
Nội dung tải tại đây: /uploads/news/2022_11/tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-11.2022.doc
Những ngày đáng nhớ trong tháng 11:
-------
- 07/11/1917: Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. 
- 09/11/2013: Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- 18/11/1930: Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- 20/11/1958: Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
- 23/11/1945: Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
- 23/11/1946: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
- 23/11/1940: Kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa.
- 28/11/1820: Ngày sinh Ph. Ăng-ghen
Cách mạng Tháng Mười Nga: Ánh sáng của tự do và chiến thắng
Cách đây 105 năm, ngày 7/11/1917, một sự kiện lịch sử vĩ đại của loài người đã xảy ra ở nước Nga - Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga. Cuộc Cách mạng đã làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên liên minh công nhân, nông dân, binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra Nhà nước Nga Xô viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, đánh dấu sự thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lê nin ở nước Nga. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác - Lê nin con đường cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc mình. Cách mạng Tháng Mười Nga chính là cách cửa mở ra chân lý đúng đắn về độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, khi đó đang chìm trong bóng tối của áp bức nô lệ khổ đau. Kể từ đó, cách mạng Việt Nam đã tìm ra ngọn đuốc dẫn đường, tiến tới kết thúc chuỗi ngày tăm tối của một dân tộc quật cường ở phương Đông.
Viết về Cách mạng tháng Mười Nga, Nhà thơ Tố Hữu đã dành những lời ngợi ca thật đẹp: “Cách mạng tháng Mười/Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó/Với Lê-nin, làm lại loài người/Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi/Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực”.
Mặt trời chói lọi chiếu sáng năm châu
Năm 1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng báo Pravđa (Liên Xô), khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Khi cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917 diễn ra, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang bế tắc về đường lối. Trong bối cảnh đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Trong hành trình này, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, nhận thấy ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười.
Năm 1920, sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê nin đăng trên Báo L’Humanité (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra “cẩm nang thần kỳ” cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi nói về sự kiện này, Người nhớ lại: “Luận cương của Lê nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết về Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin. Người coi đó là một nội dung quan trọng, là bài học cơ bản trong việc đào tạo cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức tiến tới thành lập Đảng. Trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần 4 trong chương XII viết về Cách mạng Tháng Mười Nga dưới tiêu đề “Cách mạng Tháng Mười Nga với các dân tộc thuộc địa”. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Hồ Chí Minh cũng viết một phần riêng về Cách mạng Tháng Mười Nga dưới tiêu đề “Lịch sử cách mạng Nga”. Người nhấn mạnh: “Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để nhất, vì nó đem lại tự do, bình đẳng, hạnh phúc thật sự cho nhân dân lao động và còn giúp đỡ cho các dân tộc bị áp bức làm cách mạng để tự giải phóng”.
Thực tiễn đã chứng minh những nhận định về Cách mạng Tháng Mười Nga của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lê nin luôn được vận dụng sâu sắc và trở thành “kim chỉ nam” cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân chịu cảnh lầm than, áp bức, nô lệ, nước ta đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Thắng lợi ấy đã minh chứng cho một quan điểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”.
Tình hữu nghị bắt nguồn từ cuộc cách mạng lịch sử
Chính sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã gắn bó Cách mạng Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười, gắn bó tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên bang Xô Viết, nay là Liên bang Nga.
Hơn 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga và năm 2022 hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Hợp tác Việt - Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Với nền tảng là tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao, với trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, trong đó có cấp cao, diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nhiều cơ chế phối hợp đã được xác lập và hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư và khoa học, giáo dục, giao lưu nhân dân.
Hợp tác kinh tế Việt - Nga có bước phát triển đáng kể. Mặc dù đại dịch COVID - 19 đã gây nhiều tác động tiêu cực tới hoạt động ngoại thương toàn cầu nói chung cũng như của Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác thương mại Việt Nam - Liên bang Nga vẫn đạt được những bước phát triển tích cực trong năm 2020. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ Liên bang Nga sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 42,9%; nhập khẩu hàng hóa của Liên bang Nga từ Việt Nam tăng đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,9%. Năm 2021, thương mại Việt Nam - Liên bang Nga tiếp tục tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước 7 tháng đầu năm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Nga đạt 924 triệu USD, tăng 13,3%; xuất khẩu của Việt Nam đạt 28,1%. Dự kiến trong năm nay, thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga sẽ đạt mức khoảng 6,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân giữa hai nước đang ngày càng phát triển, thể hiện sức sống mạnh mẽ của tình hữu nghị anh em thân thiết, thủy chung, sâu sắc giữa nhân dân hai nước với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu hữu nghị ở cả hai nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống như đại dịch COVID-19, các vấn đề khu vực và thế giới..., việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, cũng như đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Với những thành quả to lớn đạt được trong hơn 70 năm qua, với nền móng vững chắc từ Cách mạng Tháng Mười Nga lịch sử và chủ nghĩa Mác - Lê nin chân chính, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga sẽ ngày càng được củng cố và phát triển, vượt qua mọi thách thức và khó khăn, xứng đáng với truyền thống hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phồn vinh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Thu Phương (TTXVN)
                    Nguồn: Cổng thông tin Bộ Quốc Phòng

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Thống nhất: Kinh nghiệm và bài học cho hôm nay
Suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm quý báu, trong đó có kinh nghiệm lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Những kinh nghiệm đó hiện nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự, khi đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong lịch sử cách mạng dân tộc
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng suốt hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn kiên trì quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Điều đó gắn liền với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất(1), nhằm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ. 
Trải qua nhiều thời kỳ, với các hình thức tổ chức có tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã đoàn kết toàn dân tộc, tiến hành đấu tranh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng qua các giai đoạn lịch sử.
Thành công nổi bật của Đảng trong việc lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Thống nhất, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là đã giải quyết một cách đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp để có thể tập hợp rộng rãi mọi lực lượng cách mạng và hình thành liên minh chính trị phù hợp với cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp và tương quan lực lượng ở nước ta qua các thời kỳ cách mạng.
Nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận (tháng 8-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa Mác - Lênin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta. Đế quốc Mỹ, bọn tay sai của Mỹ, bọn phản cách mạng là kẻ thù của ta... Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta”(2). Từ đó, Người khẳng định: “Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”(3). Những quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đảng ta luôn coi trọng vị trí của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, đưa phong trào cách mạng phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân chung ý chí và hành động đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến thành công.
Trong bối cảnh hiện nay, càng phải tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù”, thực hiện “thêm bầu bạn, bớt kẻ thù” và phải thực sự coi “mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta”. Đây là một trong những bài học lịch sử mà Đảng ta đã kiểm nghiệm qua thực tiễn và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành luận điểm nổi tiếng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Từ sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Dân tộc Thống nhất, có thể thấy một số đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, Đảng ta linh hoạt, nhạy bén đề ra khẩu hiệu đấu tranh và thành lập tổ chức Mặt trận phù hợp với đặc điểm, yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn. Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp nhằm đoàn kết toàn dân tộc thực hiện mục tiêu, chương trình hành động thống nhất của tất cả các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo. Đảng đã đề ra khẩu hiệu đấu tranh linh hoạt, lựa chọn các hình thức tổ chức phù hợp với tên gọi của Mặt trận và từng giới, phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ cách mạng khác nhau, như Hội Phản đế đồng minh (năm 1930), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (năm 1938), Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (năm 1939), Mặt trận Việt Minh (năm 1941), Mặt trận Liên Việt (năm 1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc (năm 1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1960), Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (năm 1968), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước (từ năm 1977 đến nay).
Thứ hai, Đảng luôn giữ vững vai trò lãnh đạo trong Mặt trận, kiên trì nguyên tắc đấu tranh chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ việc tranh thủ tất cả các lực lượng có thể tranh thủ được; đồng thời, cũng chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, không đấu tranh đúng mức trong nội bộ Mặt trận. Thực tiễn đã chứng minh rằng, trong đoàn kết dân tộc, chỉ có đấu tranh một cách có nguyên tắc thì mới giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, mới làm cho tính quần chúng rộng rãi của Mặt trận được phát huy đầy đủ, khắc phục các xu hướng “tả khuynh”, “hữu khuynh” và những thiếu sót khác; từ đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, tầng lớp nhân dân và phân hóa, cô lập các thế lực thù địch.
Thứ ba, không ngừng củng cố khối liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức; đồng thời, thu hút các giai cấp khác trong xã hội, thông qua các hình thức tập hợp quần chúng ngày càng phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng. Đó là con đường cơ bản để tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, điều đó được thể hiện ở quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay; tạo điều kiện cho các giai tầng trong cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ nhau, phấn đấu vì mục tiêu chung là Tổ quốc độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, là mẫu số chung và điểm tương đồng, là con đường tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất ngày nay.
Thứ tư, xác định rõ mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận thông qua phương thức lãnh đạo thích hợp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận”. Thực chất mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận chính là quan hệ giữa Đảng với đại diện các tầng lớp nhân dân rộng rãi nhất, vì thế Đảng tham gia Mặt trận tức là hòa mình trong quần chúng nhân dân.
Để tránh cho Đảng không rơi vào nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng, thì Đảng cần hòa mình trong Mặt trận để, một mặt, đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với nhân dân; mặt khác, lắng nghe và trao đổi về tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân nhằm hoàn thiện đường lối, chủ trương. Việc trao đổi thông tin hai chiều trong môi trường hoạt động ở Mặt trận là điều kiện thuận lợi để gắn bó Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mặt trận không chỉ chấp hành những nghị quyết của Đảng, mà còn tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bàn bạc, trao đổi, thảo luận dân chủ cho thấu tình, đạt lý để vận động các tầng lớp nhân dân tự giác hưởng ứng, thực hiện.
Là một thành viên trong Mặt trận, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo bằng cách phát huy vai trò hạt nhân chính trị, làm cho ảnh hưởng chính trị của Đảng lan tỏa đến mọi thành viên khác. Thông qua đối thoại dân chủ, bàn bạc, thống nhất hành động trong Mặt trận, Đảng biến đường lối của mình thành phong trào hành động của các tầng lớp nhân dân, giành được sự đồng tình, ủng hộ một cách tự giác của nhân dân, làm cho Mặt trận trở thành nơi Đảng bàn việc nước với dân. Theo tinh thần ấy, phải thực hiện nền nếp việc Đảng và Nhà nước cùng bàn bạc và tham khảo ý kiến của Mặt trận về chủ trương, đường lối. Đây là sự tổng kết có ý nghĩa quan trọng, được rút ra từ thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Đảng trong lịch sử.
Thứ năm, điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc hàng đầu. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chỉ có giữ vững được bản chất giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng, trước hết là tiên phong trong lý luận cách mạng, kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thì Đảng mới thấu hiểu được mọi yêu cầu và nguyện vọng thiết tha của nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu; mọi đảng viên mới không ngừng rèn luyện, tu dưỡng nâng cao năng lực và phẩm chất để phục vụ nhân dân vô điều kiện. Trên cơ sở ấy, Đảng mới được dân tin, dân mến, trở thành hạt nhân quy tụ mọi tầng lớp trong xã hội. Chỉ có như vậy, Đảng mới đoàn kết, tập hợp được các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của mình, Mặt trận mới được củng cố. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối đúng đắn là nguồn gốc tạo nên sức mạnh cho Đảng; đồng thời, là nòng cốt để tăng cường đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận.
Bài học kinh nghiệm
Nhìn lại sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong sự nghiệp cách mạng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Xác định đúng đắn vị trí, vai trò của Mặt trận trong sự nghiệp cách mạng giai đoạn mới
Thống nhất về tổ chức của Mặt trận để thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước năm 1977 là một chủ trương đúng đắn và là một thành công to lớn của Đảng ta. Quá trình hiệp thương dân chủ trên cơ sở tôn trọng ý kiến của các tổ chức Mặt trận ở hai miền là sinh hoạt chính trị cởi mở, chân thành; phản ánh được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và phù hợp với xu thế phát triển của dân tộc, của thời đại, mở ra thời kỳ phát triển mới của Mặt trận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chức năng của Mặt trận nhiều lúc, nhiều nơi đã thu hẹp, chỉ còn là động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, một tổ chức không có hội viên mà chỉ có tổ chức thành viên, vì vậy, việc động viên xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thông qua các tổ chức thành viên một cách gián tiếp. Điều đó dễ làm cho hoạt động của Mặt trận nhiều lúc, nhiều nơi mang tính hình thức, kết quả hoạt động không rõ ràng, vì đã có sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là những tổ chức thành viên có hội viên chiếm số đông trong xã hội (như Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật...). Ở nhiều nơi, tổ chức của Mặt trận bị thu hẹp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoạt động còn hạn chế...
Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18-4-1983, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”, đã đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục một bước những khó khăn, bất cập nêu trên. Chỉ thị số 17-CT/TW đã chỉ ra ba chức năng cơ bản của Mặt trận là: Tuyên truyền, giáo dục, phối hợp thống nhất hành động và phản ánh nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; đồng thời, đề ra sáu nhiệm vụ cụ thể để thực hiện ba chức năng đó. Chỉ thị số 17-CT/TW của Đảng đã có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của Mặt trận và còn có ý nghĩa thiết thực cho đến ngày nay. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa trong thực tế những quan điểm của Chỉ thị số 17-CT/TW còn nhiều hạn chế. Từ sau Đại hội III của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1988), công tác Mặt trận đã có những chuyển biến quan trọng. Hiện nay, hoạt động của Mặt trận tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời năm 1999 và hiện nay là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng Mặt trận theo yêu cầu Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, những vấn đề cơ bản của Mặt trận đã được luật hóa, như vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, quan hệ phối hợp..., có tác dụng tích cực đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân
Từ thực tiễn cách mạng nước ta, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã đúc kết và nhấn mạnh bài học: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”(4). Bài học này vẫn có ý nghĩa thời sự trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân là cơ sở vững chắc để đoàn kết, tập hợp mọi giai tầng trong xã hội. Đảng ta chủ trương xóa bỏ chế độ bao cấp, tạo điều kiện cho mọi người dân được tự do kinh doanh theo pháp luật; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và đó là những điều kiện thuận lợi để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bước chuyển biến nhạy bén trong chiến lược về Mặt trận của Đảng được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17-11-1993, của Bộ Chính trị khóa VII, “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất”. Trên cơ sở nhận thức mới về mâu thuẫn xã hội và đổi mới tư duy theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết đề ra bốn vấn đề đổi mới quan trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc là: Xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử để đoàn kết theo điểm tương đồng; đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản của Đảng; xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh; đa dạng hóa các hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện chính sách đại đoàn kết mở rộng và Đảng vừa là thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận.
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã đặt vị trí, vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên một tầm cao mới, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, tạo sự chuyển biến trong toàn Đảng, toàn xã hội về công tác Mặt trận. Chủ trương này khẳng định tính đúng đắn trong đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất, đánh dấu bước phát triển mới trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. Bên cạnh đó, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc, tôn giáo và đất đai đã đề ra nhiều quan điểm mới, nhằm tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận trong điều kiện mới, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, đề ra định hướng nhiệm vụ của Mặt trận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận
Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, để Mặt trận thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một thành viên có vai trò lãnh đạo Mặt trận, Đảng có phương thức phù hợp để thực hiện sự lãnh đạo đó một cách hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã đề ra phương thức lãnh đạo: “Kết hợp thực hiện chế độ tập trung dân chủ trong Đảng và chế độ hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận”. Theo đó, phải có những hình thức, biện pháp thực hiện sự kết hợp đó ở từng cấp, từng nơi, từng lúc. Đảng lãnh đạo thông qua trình bày, thuyết phục, sự nêu gương của Đảng trong Mặt trận. Muốn vậy, Đảng phải trong sạch và vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng chính là nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng. Sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng có được nâng cao, Đảng mới tạo được sự tin cậy trong Mặt trận, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thuyết phục hiệu quả bằng ảnh hưởng chính trị, do đó, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận.
Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách cử cán bộ của Đảng tham gia vào tổ chức Mặt trận, nhất là bộ máy lãnh đạo Mặt trận. Muốn cho hoạt động Mặt trận có hiệu quả, để tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, Mặt trận rất cần tạo dựng ngọn cờ tiêu biểu, những người có uy tín tham gia lãnh đạo Mặt trận. Trước đây, trong những thời kỳ cách mạng còn “trứng nước” hoặc những lúc gặp “sóng gió, thác ghềnh”, sở dĩ Mặt trận Dân tộc Thống nhất tập hợp được tất thảy những người có thể tập hợp, chính là nhờ ảnh hưởng hết sức to lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người đứng đầu tổ chức Mặt trận phải thực sự là người được nhân dân tin yêu bởi năng lực và phẩm chất, có tác phong và lối sống mẫu mực, được nhân dân tin cậy, yêu mến. Những nhân vật tiêu biểu dù không phải là đảng viên, nhưng nếu được nhân dân tin yêu thì vẫn được Đảng tín nhiệm, là những người lãnh đạo nòng cốt trong Mặt trận./.
------------------------
(1) Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh” đánh dấu sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất - tổ chức tập hợp rộng rãi, đông đảo các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp xã hội, các tôn giáo - đoàn kết mọi người dân yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc để đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 453
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 453
(4) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần I, (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 425

Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/





Kể từ khi ngày 20/11 hàng năm trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam. Cứ đến ngày này, lớp lớp thế hệ học sinh lại bồi hồi nhớ về và tri ân những thầy cô của mình.
Tháng 7/1946, Liên hiệp Quốc tế các công đoàn Giáo dục được thành lập (Fesdesration International Syndicat de l’enseignement) viết tắt là "FISE", trụ sở đặt tại Paris.
Năm 1949, tại Hội nghị Vacxava, FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu là:
Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, tư sản, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ, khoa học.
Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi thường nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nhà giáo.

Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt coi trọng tính chất nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học tiên tiến.
Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới mà nòng cốt là các nhà giáo ở các nước XHCN, đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”.
Ở Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hàng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Những năm sau đó, ngày lễ này được tổ chức ở các vùng ở miền Nam Việt Nam. Hàng năm vào dịp kỷ niệm 20 tháng 11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần giáo viên kháng chiến.
Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".
Quyết định này nêu rõ “Để ngày 20-11 có ý nghĩa thiết thực, hàng nǎm từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cấn tiếp tục làm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và nǎng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình”.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là thầy cô giáo. Theo Bác, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ thầy cô giáo. Bởi vì các thầy giáo có nhiệm vụ truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Sinh thời, Bác Hồ nhắc nhở các thầy giáo cần quan tâm đến phương pháp giáo dục. Theo Bác, thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh vậy nên cần phải là tấm gương sáng. Thầy cô tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy cô xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy, cô sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy, người cô có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Bác còn dặn dò thêm: “các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể… Sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là thế hệ tương lai của dân tộc, vì vậy không được phép tạo ra “phế phẩm”.
Kế thừa và phát huy những tinh hoa trong tư tưởng của Bác Hồ, Đảng ta đã xác định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Theo https://tuyenquang.gov.vn/
1. Bối cảnh lịch sử
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9/1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây Nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”. Tháng 11/1940, bọn quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Thực dân Pháp bắt lính Nam Bộ ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực dân Pháp và được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nhân dân Nam Bộ sục sôi tranh đấu.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ bảy (khóa I) từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn, Gia Ðịnh) nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy, phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc; chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, dân tộc và các cá nhân yêu nước.
Tinh thần Nghị quyết đã sớm đi vào đảng viên, quần chúng. Phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, liên tiếp diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, đấu tranh. Đặc biệt là các cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra mạnh mẽ kể từ khi thực dân Pháp bắt thêm lính Việt Nam đem sang chiến trường biên giới Ai Lao (Lào) - Cao Miên (Campuchia) để chống Xiêm (Thái Lan). Khí thế chiến đấu diễn ra hầu khắp Nam Kỳ, đặc biệt là ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Chợ Lớn, Gia Định, Tân An, Vũng Tàu, Trà Vinh...
Trên cơ sở đó, tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư thảo ra Đề cương chuẩn bị bạo động. Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo Nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương; chủ trương thành lập Ban Chỉ huy và Ban Quân sự các cấp; xác định hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu; vạch các chính sách đối với Nhân dân...
Ðến giữa tháng 11/1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động Nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0 giờ ngày 22, rạng 23/11/1940, hiệu lệnh là đèn Sài Gòn tắt hoặc có tiếng súng nổ.
Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6 đến 9/11/1940 nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt, Cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.
2. Diễn biến, kết quả Cuộc khởi nghĩa
Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi Thường vụ Xứ uỷ ra Đề cương chuẩn bị bạo động (tháng 3/1940), công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương; các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn. Mít tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra. Nhiều nơi địch đến đánh phá, Nhân dân nổi trống mõ, uy hiếp địch, bảo vệ cán bộ. Các đội tự vệ, du kích phát triển ngay trong những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ... Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt ngày đêm. Nhân dân quyên góp kim khí để đúc đạn; xuất hiện những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô sơ ở Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Hòa Thượng Đồng (Rạch Giá)... Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “Không một đồng xu, không một người lính cho đế quốc chiến tranh” ngày càng lan rộng. Công tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.
Tuy nhiên, vì kế hoạch khởi nghĩa bị địch biết trước nên chúng lùng sục bắt bớ, giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến. Dù vậy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940.
Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường... Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Bọn phản cách mạng bị xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.
(Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương)
Cuộc đời và sự nghiệp của Ph.Ăng-ghen
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28.11.1820 ở thành phố Ba-rơ-men tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức) trong một gia đình là chủ xưởng dệt. Năm 14 tuổi, Ph.Ăng-ghen học tại thành phố Ba-rơ-men và đã sớm bộc lộ năng khiếu về ngoại ngữ. Tháng 10.1834, Ph.Ăng-ghen chuyển sang học ở trường trung học En-béc-phen-đơ, một trường tốt nhất ở Phổ thời bấy giờ. Năm 1837, Ph.Ăng-ghen buộc phải rời bỏ trường trung học khi chưa tốt nghiệp để bắt đầu công việc buôn bán ở Văn phòng theo yêu cầu của bố. Trong thời gian này ông tự học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca. Tháng 6.1838, Ph.Ăng-ghen đến làm việc tại Văn phòng thương mại ở thành phố cảng Ba-rơ-men, thành phố cảng lớn buôn bán với nhiều nơi trên thế giới. Tại đây Ph.Ăng-ghen được mở rộng tầm hiểu biết về nền văn học và báo chí nước ngoài cũng như tác động của cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã chín muồi ở Đức hồi bấy giờ và chính điều đó đã thúc đẩy việc hình thành các quan điểm dân chủ - cách mạng ở Ph.Ăng-ghen.
Cuối năm 1839, Ph.Ăng-ghen bắt tay vào nghiên cứu các tác phẩm của Hêghen, chính thức không trở thành thương gia như ý muốn của bố mà hiến thân cho một sự nghiệp khác cao cả hơn.
Tháng 9.1841, Ph.Ăng-ghen đến Béc-lin và gia nhập binh đoàn pháo binh. Tại đây được huấn luyện quân sự, đó là điều rất cần thiết, song Ph.Ăng-ghen vẫn lui tới trường Đại học Tổng hợp Béc-lin nghe các bài giảng triết học, tham gia hội thảo về lịch sử tôn giáo.
Mùa xuân 1842, Ph.Ăng-ghen bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh). Trong những bài báo in năm 1842, Ph.Ăng-ghen đã lên tiếng phản kháng chế độ kiểm duyệt của Chính phủ Vương quốc Phổ, trật tự phong kiến ở Đức. Ngày 8.10.1842, Ph.Ăng-ghen mãn hạn phục vụ trong quân đội và từ Béc-lin trở về Ba-rơ-men. Một tháng sau, Ph.Ăng-ghen sang Anh thực tập buôn bán. Trên đường sang Anh, Ph.Ăng-ghen đã thăm trụ sở tờ báo Rheinische Zeitung ở Koln và đã gặp C.Mác, Tổng biên tập tờ báo. Ph.Ăng-ghen đã ở lại Anh trong 2 năm. Trong thời gian từ tháng 9.1844 - tháng 3.1845, Ph.Ăng-ghen đã viết cuốn sách "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh" và nhiều bài báo khác để phân tích rõ sự phân chia xã hội thành 3 giai cấp cơ bản (giai cấp quý tộc chiếm hữu ruộng đất, giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp vô sản) và đi đến kết luận "đằng sau cuộc đấu tranh của các đảng phái ẩn giấu cuộc đấu tranh của các giai cấp". Những năm tháng ở Anh, Ph.Ăng-ghen chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với quan điểm của phái Hêghen trẻ, nhưng lại có ý nghĩa quyết định trong việc dứt khoát từ bỏ những quan điểm duy tâm để trở thành nhà duy vật. Tháng 2.1844, tham gia viết bài cho tờ tạp chí Niên giám Pháp - Đức, các bài báo của Ph.Ăng-ghen đề cập đến việc áp dụng phương pháp biện chứng vào việc phân tích các quan hệ kinh tế của xã hội tư sản. Tháng 2.1845, cuốn sách "Gia đình Thần thánh" của C.Mác và Ph.Ăng-ghen ra đời, đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm và phương pháp của nó, nêu luận điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Trong hai năm 1845 - 1846, C.Mác và Ph.Ăng-ghen cùng hợp sức viết công trình nổi tiếng "Hệ tư tưởng Đức", phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm của Hêghen và phái Hêghen trẻ; đồng thời, phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Lút-vích Phoi-ơ-bắc, nêu ra những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Năm 1848, Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản đã uỷ nhiệm C.Mác và Ph.Ăngghen cùng viết "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" - đó là Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh phá bỏ xiềng xích và mọi sự áp bức, bất công trong xã hội tư bản.
Năm 1848, trong thời gian sống ở Pa-ri, Ph.Ăng-ghen quan tâm nhiều đến hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản và trở thành Uỷ viên của Ban lãnh đạo và là một trong những lãnh đạo Câu lạc bộ công nhân Đức (tháng 3.1848) do Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản lập ra.
Tháng 3.1848, cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen thảo ra "Những yêu sách của Đảng Cộng sản Đức" được Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản thông qua như là văn kiện có tính chất cương lĩnh cho hành động của giai cấp vô sản Đức.
Tháng 4.1848 Ph.Ăng-ghen cùng với C.Mác trở về Đức tham gia cuộc cách mạng Đức; tháng 10.1848, đi Bỉ để tránh lệnh truy nã của chính quyền Phổ nhưng do không được phép cư trú chính trị nên Ph.Ăng-ghen lại đến Pa-ri; sau đó sang Thụy Sĩ tham gia Đại hội các liên đoàn công nhân Đức và được bầu vào Uỷ ban Trung ương của tổ chức này.
Tháng Giêng năm 1849, Ph.Ăng-ghen trở về Đức tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi cuộc đấu tranh bùng nổ ở Tây và Nam nước Đức (tháng 5.1849), Ph.Ăng-ghen đã vạch ra một kế hoạch hoạt động quân sự, thành lập quân đội cách mạng tiến hành cuộc khởi nghĩa. Ngày 10.5.1849, Ph.Ăng-ghen đến Elberfeld và được bổ sung vào Ban Quân sự, trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng công sự, trông coi tất cả các chiến luỹ trong thành phố, đồng thời kiêm nhiệm phụ trách pháo binh. Sau cuộc khởi nghĩa ở Tây - Nam nước Đức, Ph.Ăng-ghen đưa ra một kế hoạch đã suy nghĩ kỹ để triển khai cuộc đấu tranh cách mạng và dấy lên thành phong trào toàn nước Đức. Trong thời kỳ này, Ph.Ăng-ghen tham gia trực tiếp 4 trận đánh lớn, trong đó có trận Rastatt, một trận có ý nghĩa đặc biệt to lớn; sau này, đã viết "Luận văn quân sự" nổi tiếng thể hiện khả năng thiên tài quân sự của ông.
Tháng 11.1849, Ph.Ăng-ghen đến Luân Đôn (Anh) và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản mà C.Mác đã cải tổ sau khi đến đây. Ph.Ăng-ghen sống ở Luân Đôn một năm, trong thời gian này, ông đã viết hai tác phẩm "Cách mạng và phản cách mạng ở Đức" và "Cuộc chiến tranh nông dân ở Đức".
Tháng 11.1850, Ph.Ăng-ghen buộc phải chuyển đến Man-che-xtơ (Anh) và lại bắt đầu làm việc ở Văn phòng thương mại. Điều này tạo điều kiện cho Ph.Ăngghen có thể giúp đỡ về vật chất cho C.Mác hoạt động cách mạng. Ph.Ăng-ghen đặc biệt chú ý nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, quân sự, chính sách quốc tế. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen tham gia lãnh đạo Quốc tế Cộng sản I.
Tháng 9.1870, Ph.Ăng-ghen đến Luân Đôn và được đưa vào Tổng Hội đồng của Quốc tế Cộng sản I. Ph.Ăng-ghen kiên trì đấu tranh chống lại quan điểm cơ hội của phái Pruđông, Latxan, Bacunin.
Năm 1871, Ph.Ăng-ghen tham gia vào việc tổ chức chiến dịch bảo vệ Công xã Pari. Trong thời gian này, Ph.Ăng-ghen đã viết một số tác phẩm có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn "Chống Đuy rinh" (1878), góp phần to lớn cho việc hoàn thiện lý luận cho chủ nghĩa Mác.
Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăng-ghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, chuẩn bị cho in tập 2 và 3 của bộ Tư bản mà C.Mác chưa kịp hoàn thành. Ph.Ăng-ghen viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời, như: Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước (1884), Lút-vích Phoi ơ bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1886), Biện chứng tự nhiên, Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894); đồng thời tiếp tục làm cố vấn và là người lãnh đạo của những người xã hội chủ nghĩa châu Âu. Ph.Ăng-ghen đã tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội trong các đảng công nhân, vạch trần và phê phán kịch liệt những khuyết điểm của các đảng đó, giúp các đảng đó có một phương hướng cách mạng trong công tác. Tác phẩm "Phê phán dự thảo Cương lĩnh của Đảng xã hội dân chủ năm 1891", viết năm 1891, là một văn kiện quan trọng của Ph.Ăng-ghen đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội.
Ph.Ăng-ghen mất ngày 5 tháng 8 năm 1895 ở Luân Đôn, thi hài sau đó được hỏa táng và thủy táng xuống biển.
Vận dụng tư tưởng của Ph.Ăng-ghen vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăng-ghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay đang lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Tư duy biện chứng của Ph.Ăng-ghen về phương thức phát triển "rút ngắn" cho thấy rõ, nước ta có điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Về khách quan, trước hết đó chính là yếu tố thời đại. Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta diễn ra trong thời đại mà nội dung chủ yếu của nó vẫn là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị thế thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại. Thực tế khách quan này vừa đặt ra thách thức không nhỏ, vừa tạo thời cơ thuận lợi cho sự phát triển đất nước.
Những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta, nhất là trong việc nhận thức và làm sáng tỏ quy luật vận động tất yếu của cách mạng Việt Nam, giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện phát triển nền kinh tế. Đảng đã khẳng định: "Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng".
Qua 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, đổi mới không phải là phủ định sạch trơn thành tựu và cách làm trước đây, mà là khẳng định những gì trước kia hiểu đúng làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai làm sai, hoặc những gì trước kia đúng nhưng nay không còn phù hợp, bổ sung nhận thức mới và cách làm mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng. Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn, xây dựng hiệu quả hơn. Quá trình này không phải là xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết, tư tưởng đó, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của nó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, dùng lý luận đó làm cơ sở quan trọng để đánh giá tình hình, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, lấy đó làm cơ sở xuất phát để hoạch định đường lối đổi mới. Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã nhận thức sáng tỏ hơn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến xã hội: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, của Ph.Ăng-ghen về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới". Đảng ta đã tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng rõ hơn, trên cơ sở đó Đảng đề ra và từng bước bổ sung, phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Kinh nghiệm và những bài học được tích lũy để Đảng ta từng bước hoàn thiện lý luận đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nội lực của đất nước và dân tộc đã được huy động vào các mục tiêu phát triển, cùng với các nguồn ngoại lực ngày càng được tận dụng, khai thác có hiệu quả, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Nhân dân Việt Nam đi tới thắng lợi. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: "Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới".
Có thể nói, phương pháp luận, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư duy biện chứng của Ph.Ăng-ghen nói riêng là một hệ thống tri thức quý báu, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu nghiêm túc để có thêm cơ sở khoa học cho bổ sung, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học; để tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.



 
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, Đảng ta đã không ngừng đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Những thành tựu Việt Nam đạt được thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn, sự sáng tạo về con đường đi lên CNXH ở nước ta.
QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ QUÁ ĐỘ LÊN CNXH
Trên cơ sở tổng kết, phát hiện các quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội loài người, C.Mác đã rút ra kết luận: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”(1). Quá trình ấy phải trải qua các chế độ: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và tất yếu sẽ tiến lên cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là CNXH.
Tuy nhiên, các nhà kinh điển cũng chỉ rõ, mặc dù sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên, nhưng sự thay thế ấy bao giờ cũng trải qua một quá trình biến đổi, chuyển đổi, đó là thời kỳ quá độ.
Thời kỳ quá độ là một tất yếu lịch sử, có thể diễn ra lâu dài và độ dài ngắn của thời kỳ quá độ ở mỗi nước phụ thuộc vào xuất phát điểm của nước đó khi bước vào thời kỳ quá độ, cũng như những nhân tố tác động khách quan của thời đại. Trong quá trình lịch sử - tự nhiên đó, học thuyết Mác - Lênin cũng khẳng định quá độ lên CNXH là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN) lên xã hội cộng sản chủ nghĩa. Như vậy, quá độ lên CNXH là tất yếu khách quan và là một thời kỳ lâu dài với nhiều con đường, bước đi với những nội dung, tính chất và đặc thù khác nhau. Dù phải trải qua nhiều bước ngoặt, nhiều thăng trầm với sự liên tục và đứt đoạn, quanh co, khúc khuỷu, nhưng đó là sự phát triển, tiến bộ đi lên của lịch sử nhân loại. Bên cạnh đó, học thuyết Mác - Lênin cũng dự báo khả năng bỏ qua chế độ TBCN đối với một số nước trong những điều kiện cụ thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên CNXH, đồng thời có sự vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Người nhận thức rõ Việt Nam có đặc thù riêng, có phong tục, tập quá, lịch sử riêng, nên bên cạnh việc học tập kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) khác, cần phải có phương pháp xây dựng CNXH gắn với thực tiễn và lịch sử của Việt Nam. Hơn nữa, công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam, ngoài sự tác động của những yếu tố khách quan, còn phụ thuộc nhiều vào nhận thức và quá trình hiện thực hóa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn tiến lên CNXH thì không phải “cứ ngồi mà chờ” là sẽ có được CNXH. Trong đó, về mặt kinh tế, phải tạo ra những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất; về mặt chính trị, Đảng phải lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên CNXH…
Việt Nam quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN thực chất là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN, đặc biệt là khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại(2). Như vậy, bỏ qua chế độ TBCN ở Việt Nam chỉ là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN; còn những thành tựu đạt được dưới chủ nghĩa tư bản (CNTB), đặc biệt là khoa học, công nghệ thì chúng ta phải tiếp thu, kế thừa để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại.
Quá độ lên CNXH là một tất yếu lịch sử. Cho dù hiện nay, bằng những cố gắng thích nghi với tình hình mới, CNTB vẫn đang có những thành tựu phát triển, nhưng vẫn không vượt qua khỏi giới hạn của nó. CNTB không phải là tương lai của nhân loại. Trước mắt, CNTB còn có tiềm năng phát triển kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý, thay đổi cơ cấu sản xuất, điều chỉnh các hình thức sở hữu và chính sách xã hội. Tuy vậy, mâu thuẫn cơ bản vốn có của CNTB giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN ngày càng sâu sắc. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân rộng rãi với giai cấp tư sản, giữa các tập đoàn tư bản độc quyền, các công ty xuyên quốc gia, các trung tâm tư bản lớn tiếp tục phát triển. Mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng tăng lên. Chính sự vận động của tất cả những mâu thuẫn đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định số phận của chủ nghĩa tư bản(3). Mặc dù CNXH hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử.

SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀO THỰC TIỄN ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn khẳng định, theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên CNXH và kiên định con đường đó, điều này càng được thể hiện rõ hơn qua các thời điểm mang tính chất bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đường lối tiến lên CNXH của Đảng ta thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện, phù hợp với tiến trình phát triển và điều kiện lịch sử nhất định của từng thời kỳ. Từ những năm 1930, Đảng ta đã xác định rõ con đường cách mạng của nước ta là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(4).
Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó và trước hết là đổi mới tư duy lý luận, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc hơn về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, bỏ qua chế độ TBCN. Ngay từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta khẳng định từ CNTB lên CNXH phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài, là một tất yếu khách quan; thời kỳ quá độ ở nước ta do tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN nên càng phải lâu dài và khó khăn hơn. Đến Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta đã có bước phát triển mới về nhận thức bỏ qua chế độ TBCN, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu đạt được dưới chế độ TBCN, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại... Các Đại hội X, XI, XII tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện về nhận thức thời kỳ quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN, đồng thời có những đóng góp vào lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng (2021) đã đề ra định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”(5).
Hiện nay, nước ta quá độ lên CNXH trong bối cảnh cách mạng khoa học và công nghệ có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội, tất cả các nước đều ở trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, Việt Nam sẽ tranh thủ vốn, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH. Do đó, quá độ lên CNXH là con đường phát triển hợp quy luật khách quan. Sau CNTB nhất định phải là một xã hội tốt đẹp hơn - đó là chế độ CNXH. Sự phát triển khoa học và công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra tiền đề vật chất cho những nước có thu nhập trung bình như nước ta khả năng bỏ qua CNTB quá độ lên CNXH nếu chúng ta biết tranh thủ, vận dụng những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, sớm đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật và nền kinh tế theo hướng hiện đại. Quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN thực chất là nhà nước ta tự đảm nhận nhiệm vụ lịch sử phát triển sức sản xuất của lao động xã hội, tự tạo lập những điều kiện vật chất của sản xuất và những quan hệ xã hội tương ứng với điều kiện vật chất ấy, làm cơ sở hiện thực cho CNXH. Mặc dù nước ta không trải qua giai đoạn phát triển TBCN với tư cách là một hình thái kinh tế - xã hội thống trị, nhưng về phương diện kinh tế phải tôn trọng quá trình phát triển tự nhiên của nền kinh tế, không thể bỏ qua việc phát triển sức sản xuất xã hội, xã hội hóa sản xuất trong thực tế. Song, nhờ cách mạng khoa học và công nghệ, nhờ hợp tác kinh tế quốc tế đa phương, cho phép chúng ta tận dụng những thành tựu kinh tế của thế giới để có thể rút ngắn quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Sự phát triển rút ngắn chỉ có nghĩa là đẩy nhanh tương đối quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên bằng những khâu trung gian, những hình thức, bước đi quá độ. Đồng thời, phải tôn trọng và vận dụng sáng tạo những tính quy luật của quá trình đi lên sản xuất lớn phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.
Nhận thức đúng điều đó, Đảng đã kịp thời đề đưa ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, đúng định hướng XHCN. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đôla Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỉ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài(6) …
Việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Những thành tựu đạt được đó đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối đổi mới đất nước theo định hướng XHCN. Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới
Do vậy, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN, một điều kiện có tính nguyên tắc là phải kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và phải kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định trong quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN ở Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI là trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, chúng ta phải tiếp tục làm rõ và khẳng định những đặc điểm của quá trình này, không chỉ ở hiện tại mà cả tương lai, dự báo triển vọng của CNXH ở Việt Nam trong bối cảnh mới; từ đó, xác định phương hướng và các giải pháp đúng đắn, hợp lý để tiếp tục giải phóng tối đa mọi nguồn lực của đất nươc. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN./.
PHẠM NGỌC HÒA/TG
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp
___________________________
(1)  C.Mác - Ph.Ăgghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.23, tr.21.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001 tr.84.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H, 1991, tr.7.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, t.2, tr. 2.
(5)  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021 t.II, tr.328.
(6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2022, tr. 31.
Theo https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/tin-tuc-trung-uong/ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-4436.html



    NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 11/2021
Từ 1/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục; 3 nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương CBCCVC Nhà nước quy định; hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2022.
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường
Từ 1/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục
Nghị định số 68/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo, chỉ  có 1 Tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Ngoài ra, nhiều đơn vị cấp cục, vụ mới được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.    
Cụ thể Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị gồm: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị gồm: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành hai đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Với cơ cấu tổ chức mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc.
Quy định mới về Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ
Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ.
Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về "Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ" (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12d - đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 64/2016/NĐ-CP) như sau:
Trình tự, cách thức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ:
Cơ sở đào tạo có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đường bộ Việt Nam (thay vì Tổng Cục Đường bộ Việt Nam).
Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ:
Đối với trường hợp nộp trực tiếp: Sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận ngay hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ;
Đối với trường hợp nộp qua hệ thống bưu chính: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Nghị định 70/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Đối với trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở đào tạo kê khai và nộp hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện, cấp chứng chỉ cho từng học viên (có kết quả thi đạt yêu cầu) có tên trong Tờ trình của cơ sở đào tạo; trường hợp không cấp chứng chỉ, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Việc trả chứng chỉ được thực hiện tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc thông qua dịch vụ bưu chính theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/11/2022.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 1/11/2022.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 28 đơn vị, tổ chức.
Cơ cấu tổ chức mới của Thông tấn xã Việt Nam có 28 đơn vị
Nghị định 87/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 19 nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức gồm 28 đơn vị.
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 
Nghị định 89/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: 
Tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch; kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; đấu thầu; thống kê; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm 28 đơn vị.
3 nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương CBCCVC Nhà nước quy định
 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.
Quyết định quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
- Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2022 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024.
Cán bộ thuộc 11 lĩnh vực sau khi thôi giữ chức vụ từ 1-2 năm mới được thành lập, quản lý doanh nghiệp
Theo Thông tư số 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, danh mục 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, đó là:
1-    Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
2- Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3- Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
4- Quản lý nhà nước về hải quan.
5- Quản lý nhà nước về giá.
6- Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
7- Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
8- Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
9- Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
10- Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.
11- Quản lý nhà nước về tài sản công.
Điều kiện thành lập, sáp nhập đơn vị sự nghiệp ngành công thương
Thông tư 16/2022/TT-BCT về quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương có hiệu lực từ ngày 23/11/2022.
Thông tư quy định rõ, việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định các điều kiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương.
Quy định mới chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp huyện    
Theo Thông tư 03/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 11/11/2022, thực hiện quy định mới về chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện.
Cụ thể, về vị trí và chức năng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng; kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng trên địa bàn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật.
Đối với lĩnh vực khác thuộc Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng.
Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có con dấu, có tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp huyện; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Thông tư số 61/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực từ ngày 20/11/2022.

Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp
Thông tư số 12/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.
Trong đó, Thông tư về quản lý ngoại hối vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có nội dung liên quan đến sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả.
Trường hợp bên đi vay lựa chọn khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi để giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, bên đi vay sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin liên quan đến khoản vay được đăng ký, khai báo thông tin về các nội dung đề nghị xác nhận đăng ký thay đổi trước khi gửi hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.
Hướng dẫn mức chi đào tạo nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2022, Thông tư 58/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". 
Phân phối kết quả tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Có hiệu lực từ 1/11/2022, Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định rõ về phân phối kết quả tài chính trong năm.
Quy định sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện cai nghiện ma túy
Thông tư 62/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 19/11/2022.
Xác định giá truyền tải điện theo quy định mới từ ngày 22/11 
Có hiệu lực từ ngày 22/11/2022, Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10/2/2017 quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 về phương pháp xác định giá truyền tải điện. Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

« tháng 11/2024 »
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
28293031010203
03040506070809
10111213141516
17181920212223
24252627282930

HÌNH ẢNH

6-HCM.jpg 18-HCM.jpg 10-HCM.jpg 2-HCM.jpg 14-HCM.jpg 15-HCM.jpg 7-HCM.jpg 19-HCM.jpg 11-HCM.jpg 3-HCM.jpg 16-HCM.jpg 8-HCM.jpg 12-HCM.jpg 4-HCM.jpg 5-HCM.jpg 17-HCM.jpg 9-HCM.jpg 1-HCM.jpg 13-HCM.jpg 4.jpg 5.jpg 8.jpg 1.jpg 9.jpg 5.jpg 4.jpg 9.jpg 1.jpg 7.jpg 8.jpg 6.jpg 2.jpg 10.jpg 2.jpg 6.jpg 7.jpg 3.jpg 10.jpg 3.jpg z4155660336447-642b07c04c78feb72404a7ef26ec5fa7.jpg z4155660367890-b43bf3b5abc48a521d20b0305760bdf0.jpg z4155660317482-f05c32b2a2aedd1342bc045b5d1566db.jpg z4155660398786-6f83618a34e70a60ea7ca619cc210fb4.jpg z4155660364754-07334048c2c88036ae157d0d518dd4b2.jpg z4155660383516-656cd3ff143d5724fa253c006cdb6951.jpg z4155660336448-75fd826d6e3388043751ec9369d6dd84.jpg z4155660352724-038b0865800cbd4ba415994f9adf27dc.jpg z4155660322222-b01dc733610724360aece2a99a2e8763.jpg z4155660396259-05cfa0c3be3a5ce15dd42b353a54b41d.jpg z4155660343224-9f046a9e91016472c35a83386eb1dde9.jpg z4155660376682-469369d37a79e766c9e311bad99a07b6.jpg z4155660374239-3a7003e504471a70910fc8868edc6c89.jpg z4155660326950-24aec338544a07a087504db5256594fc.jpg z4155660355319-3182ea19a94120994630483dbe672fd4.jpg z4155660408047-a165dd4acf008abbaa973a6546567a77.jpg z4155660389825-2f1a39ae603c4379e49ea8d08575adb2.jpg z4155660348716-6dd207bc6a51071fe7b24a55fff6b406.jpg z4155660369921-44321451dea20e1eba9dfcec7b880b3b.jpg z4155660330080-5793b9efc7d3a1ea4e9beb64ca73dacf.jpg z4155660399487-03608805d333b63c184724b4e61af7e7.jpg z4155660359923-2933585a2f3875fe05f94eb1457d1295.jpg z4155660388618-4de7b6efa5836916bbffcbd7be929902.jpg z4155660338919-da1343963de69cf0c3d307f6d952c10e.jpg tang-nhu-yeu-pham-chong-dich-covid-19.jpg Tang-50-la-Co-To-Quoc.jpg To-chuc-hot-toc-mien-phi-cho-tre-em-tai-xa-An-Xuan.jpg tang-qua-cho-20-em-vuot-kho-hoc-gioi.jpg Tang-anh-chan-dung-Chu-tich-Ho-Chi-Minh.jpg giao-luu-bong-chuyen.jpg to-chuc-hot-toc-mien-phi-cho-tre-em-tai-xa-an-xuan.jpg Tang-nhu-yeu-pham-chong-dich-Covid-19.jpg tang-50-la-co-to-quoc.jpg Giao-luu-bong-chuyen.jpg Tang-qua-cho-20-em-vuot-kho-hoc-gioi.jpg tang-anh-chan-dung-chu-tich-ho-chi-minh.jpg 277530563-366449918697670-5586911486146555114-n.jpg 277479211-366450052030990-834995482318672129-n.jpg 277436936-366450008697661-8180467483265155427-n.jpg TRC.jpg 277530563-366449918697670-5586911486146555114-n.jpg trc.jpg 277467861-366449975364331-3138561347224222902-n.jpg 277436936-366450008697661-8180467483265155427-n.jpg 277479211-366450052030990-834995482318672129-n.jpg 277467861-366449975364331-3138561347224222902-n.jpg toan-canh-dai-hoi.jpg Toan-canh-Dai-hoi.jpg Ban-chap-hanh-khoa-VIII-nhiem-ky-2022-2024-ra-mat-Dai-hoi.jpg ban-chap-hanh-khoa-viii-nhiem-ky-2022-2024-ra-mat-dai-hoi.jpg Dai-bieu-bo-phieu-Bau-Ban-chap-hanh-khoa-VIII-nhiem-ky-2022-2024.jpg dai-bieu-bo-phieu-bau-ban-chap-hanh-khoa-viii-nhiem-ky-2022-2024.jpg Doan-Chu-tich-chu-tri-Dai-hoi.jpg doan-chu-tich-chu-tri-dai-hoi.jpg

Thống kê

  • Đang truy cập4
  • Hôm nay56
  • Tháng hiện tại2,790
  • Tổng lượt truy cập727,686
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây